|
|
CÁI HỐ VÀ NHỮNG CHI TIẾT MÁY Hôm ấy tôi đang ngồi trong kho cập nhật lại một số mặt hàng, thì Toni xuất hiện. Cậu đến như một cơn lốc, chạy lại phía tôi, giống người ta bắt được vật quý, đang bỏ công lùng kiếm. - Đây rồi, đi ! Kim My sang đây một chút. Toni, cậu dược trung chẳng thèm hỏi gì, nắm cánh tay tôi mà kéo. - Ơ, cái cậu này, đi đâu ? Tôi ngạc nhiên la lên. - Cứ đi rồi sẽ biết. Tôi chẳng hiểu đâu đuôi ra sao, bước vội theo Toni. Toni là một thanh niên con bố Ý, mẹ Đức. Cậu thân với tôi cũng xuất phát từ bóng đá. Hai cô cháu gặp nhau là ríu rít chuyện trò. Nếu là người khác, bỗng dưng kéo tuột tôi đi thế này, đời nào tôi chịu. Toni dẫn tôi sang phân môn Granulierung ( Granulation), nơi sàng bột thuốc thành những hạt thật mịn, để chuyển sang khâu Tablettierung (Tableting) dập viên. Ở đây, bên cạnh cỗ máy, ba kỹ thuật viên cơ-điện đã đứng đó tự bao giờ. - Kim My, nhìn này, dưới đáy của hốc có năm chi tiết nhỏ bị rớt xuống. Tay mày nhỏ, thử xem liệu có lấy được chúng lên không. - Được ! Tay mày nhỏ mà. Một cậu dược trung khác bước vào phụ họa. - Mày thử đi ! Tôi hơi khó chịu với cái giọng vừa cất lên. - Tay mày cũng không lớn hơn tay tao lắm đâu. Tôi quay sang cậu ném một bực mình. Đấy là một cái hố sâu lát nhẵn nhụi và rất sạch. Người ta đặt chìm vào dưới đó một cỗ máy với vô số những cái dây cáp lớn, được bó gọn lại. Khi máy vào hoạt động, trước tiên nắp của hốc máy phải được đóng lại. Để cho an toàn, muốn đóng được nắp, thì phần trong hốc máy không được phép chứa dị vật. Phải lấy chúng lên khỏi hốc. Hai nữa, những chi tiết ấy không thể thiếu cho lắp ráp ở các công đoạn nằm trên băng chuyền. - Bọn mày có cục nam châm ở đây chứ ? ! Tôi hỏi năm thanh niên đang đứng trước mặt tôi. - Những chi tiết này không phải tất cả đều là kim loại. Chúng bằng chất dẻo và nhựa cứng cao cấp. Frank Berger, cậu Mechaniker chính, hiểu ý tôi hỏi, trả lời. Tôi nhìn lại cái hố sâu oái ăm. Trừ phần thể tích mà cỗ máy và bó dây cáp chiếm, không gian còn lại rất hẹp. Phải rất khéo léo khi kẹp những chi tiết nhỏ xíu ấy bằng một dụng cụ hoặc một phương tiện nào đó, để lấy chúng lên. Tôi áng bằng mắt, cái hố ấy có dễ sâu đến một mét. Đúng là cần một cánh tay rất nhỏ. Nhưng tôi đâu đến nỗi khờ để cho cánh tay mình xuống đó. Chợt tôi nhớ đến nó, cái que sắt ấy. Chính nó, cái cánh tay nhỏ mà tôi cần đến lúc này. Có một lần để ý, tôi thấy cô quét dọn công ty dấu nó sau cái máy giặt khăn lau. À, tao sẽ tìm ra mày. Bụng bảo dạ, tôi thầm nghĩ. Tôi bỏ đám các cậu thanh niên, chạy ra hướng máy giặt. - Ê, sao thế, đi luôn một nước, không nói năng gì, Kim My ! Toni nhìn theo tôi với một câu trách cứ. - Tao sẽ quay lại ngay. Tôi ra sau dãy máy giặt, chẳng có cái que nào hết. Thế này thì còn cơm cháo gì. Tôi chạy xuống phòng cuối dãy hành lang. Ông thợ già đang cho bột thuốc ra Công-ten-nơ. - Mày cần gì, Kim My. Bác quay ra hỏi tôi. - Một cái que dài chừng này. Tôi giang tay ra phác họa cái độ dài ấy. - A, đây rồi. Tôi mừng quýnh cả lên. Một cây móc khá dài, treo lủng lẳng trên dàn chứa đồ. - Lại giở trò chơi hấp dẫn gì đây, Kim My ? Bác thợ tò mò theo dõi nãy giờ. - Ông có băng keo chứ ? Miệng hỏi, nhưng chân tôi đã bước vào văn phòng phía sau. - Cạnh cuốn lịch ấy ! Bác nói với vào trong một câu cho tôi hay.Tôi lấy băng keo cuốn vào phần đầu của cây móc. Sau đó vẫn dùng băng keo ấy, nhưng bây giờ cuốn vào móc sao cho phần dính của băng keo quay ra. Rồi. Cầm cây móc sắt, tôi chạy như bay về chỗ hốc máy. Họ vẫn ở đây, có lẽ vẫn đợi tôi chăng ? Vừa thấy bóng tôi, Toni liền reo lên: - Tao đã bảo mà, thế nào Kim My cũng quay lại. - Chiếu dùm đèn pin xuống đáy hốc đi, Toni ! Tôi lên giọng. Nằm phủ phục kề vào miệng hố máy, tôi nghiêng bả vai xuống theo hướng cây móc. Bây giờ phải nhoai ra phía sau một chút, đặng tia được tầm nhìn vào những chi tiết bé xíu kia. Tôi nhúng sâu cây móc, đến lúc chạm đáy, khẽ khàng, nhẹ nhàng trong ngưng thở, từ từ kéo que lên. Ba chi tiết máy đã được dính vào đầu móc. He, he... Cả bọn từ nãy cũng đứng không cựa quậy, hồi hộp theo dõi. - Kim My, bravo ! Chúng nó la lên vì mừng quá thể. - Từ từ, còn hai thằng nhóc nữa cơ. Tôi khựng các cậu lại. - Tao đã bảo mà, Kim My nó làm được quá đi. Toni được dịp một tấc đến trời. Dính nốt hai chi tiết máy còn lại vào cây móc, tôi kéo chúng lên với một tự hào khôn xiết. Cầm năm chi tiết nhỏ ấy trên tay, Frank Berger đùa: - Cho năm thằng này vào viện bảo tàng. Ai bảo bướng. - Kim My ! Đúng thật là bàn tay vàng. Tuyệt lắm ! Bây giờ tôi mới nhìn lại cả năm cậu thanh niên. Cậu nào cậu nấy to cao vạm vỡ, có đứa trẻ chỉ bằng nửa tuổi tôi. Thế mà chẳng chịu động não, chẳng chịu nghĩ ngợi, phải quậy lên chứ, để tìm cho ra một lời giải, một lối thoát. Chỉ trong một phạm vi nhỏ bé như hãng này, nếu cứ đứng đợi, ngây ra như một đàn ngỗng, trần trừ, không chủ động, không chịu sáng tạo, không chịu động não, suy gẫm và thử với các khả năng...Thì ngày sẽ hết, thời gian sẽ qua đi. Lương sẽ trả không cho hàng loạt nhân viên khác trong dây chuyền sản xuất, vì máy không thể vào hoạt động. Sản phẩm cho ra chỉ là con số không. Rộng hơn, nếu là một tiểu bang, một thủ phủ hay một quốc gia. Những "hố sâu" kia sẽ nằm chình ình mãi trong đợi chờ, lừng chừng, nấn ná, lưỡng lự, đợi người cầm lái. Hậu quả sẽ bi đát đến nhường nào. Những hố sâu ấy sẽ kéo xuống ngày một sâu hơn, thê thảm nữa. Còn những con thú hoang ? Khi chúng không may bị sập bẫy ? Chúng không chịu thế đâu. Chúng sẽ vùng vẫy, giãy giụa, lồng lộn và gầm rú cho tan nát, dù lông da có bị trầy tróc, trần trụi, thân thể có khi bị thương tích, què quặt. Chúng vẫn cố và hy vọng đến một sống còn, đúng với bản năng sinh tồn tạo hóa đã dành. Cologne 04.06.2013
|