ThuKK
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
THÙNG GIÀY QUYÊN GÓP
Ngày đăng: 13/06/2013 19:58:23

       

                            THÙNG GIÀY QUYÊN GÓP


Chuyện từ tháng trước rồi. Hôm ấy thứ hai, ngày đầu tuần, tôi ra xe đi làm. Ngay ở bậc tam cấp của tòa nhà, một thùng nhựa màu đỏ chót, đậy nắp nghiêm chỉnh. Dù rất vội, tôi vẫn cứ bớt ra vài phút cho thỏa cái sự tò mò.

" GIÀY QUYÊN GÓP CHO CÁC NƯỚC NGHÈO"

Dòng chữ in đậm, to tát, rõ ràng , mực đen nhánh, nằm trong túi giấy nilon, để tránh mưa ướt.

Bên dưới một dòng nhỏ hơn : "Chúng tôi sẽ lấy thùng giày đi vào thứ sáu. Cảm ơn !"

Nhìn quanh phố một lượt, ái chà, hầu như ở tất cả các tòa nhà, trên các bậc thềm cửa, đều đỏ chót màu cái thùng nhựa ấy.

         

             

Bình thường, ở mỗi khu phố đều có những công-ten-nơ chứa đồ quyên góp. Đủ cả, áo ấm, áo hè, giày dép các loại, túi xách, ba-lô, giây lưng, mũ các kiểu... Ai có gì không dùng tới nữa, dù mới, dù cũ, đều có thể thả vào đấy mà ủng hộ, tất cả với hai chữ VÌ NHAU.

Sang đến thứ ba, tôi thấy cái thùng nhựa đã kênh bật cả nắp. Thế là đã thu hút được khối người quan tâm rồi đấy, tôi nhủ thầm trong đầu.

Tôi đã từng làm công việc phân chia đồ ủng hộ, quyên góp cho các gia đình nghèo, nên tôi biết cái cung cách làm của thành phố lắm.


Hồi ấy là cuối tháng Mười 1990, hai mẹ con tôi vừa đặt chân lên đất Đức. Ngôn ngữ chính để tiếp cận với người Đức của bọn tôi lúc ấy là tiếng Anh. Nhiều quốc gia, dân tình nói tiếng Anh sịn lắm. Mình thì không được học bài bản, chẳng theo trường lớp nào, nên bị hạn chế. Thế mà, Ban quản lý Tàu lại giao cho tôi việc chia bôi, phân phát đồ quyên góp của Thành phố cho các gia đình tỵ nạn. Có lẽ, họ ấy đã nhìn thấy một lần tôi làm tờ trình kê khai, chữ nghĩa, bảng biểu sáng sủa, rành mạch chăng? Lúc ấy, hai mẹ con tôi còn sống ở thành phố Mainz (Mainz am Rhein).

Tất cả những lô quần áo, cả giày dép nữa, sau khi đã thu thập về từ những công-ten-nơ trên các khu phố, được giặt lại, và tổng tảy uế. Chúng trở nên sạch sẽ, mới mẻ, thơm tho hơn. Lúc này, toàn bộ các gia đình của tất cả cá quốc gia đang xin cư trú tại Đức, sống tạm trên một tàu thủy quân sự rất lớn, kéo sát vào bờ sông Ranh.

Ban quản lý Tàu gọi tôi ra đề nghị giúp họ một tay. Tôi ưng thuận ngay, vì rảnh rang lắm và nữa là để học tiếng, học cung cách làm việc của họ. Sau một vài ngày, hàng phân chia đã hoàn thành. Tôi đưa lại cho Ban quản lý tàu danh sách các gia đình đã nhận hàng với chi chít những chữ ký của họ. Tôi còn nhớ cậu phụ trách chính, mà chúng tôi vẫn gọi là "Ông áo đỏ", vì lúc nào cậu cũng khoác cái áo của binh chủng hải quân bằng nỉ đỏ,với hai cái ngù vai màu vàng tươi roi rói, trông rất oách.

Cậu ấy vui vẻ đề nghị tôi ký vào văn bản với số giờ đã làm việc. Tôi dúm lại, sợ sệt. Có gì đâu, mỗi người một chân một tay vào, công việc sẽ chạy nhanh hơn thôi, tôi nghĩ thế. Cậu ấy cười:

- Chị làm việc, chị phải được hưởng thù lao cho công việc chứ. Không có cảm ơn xuông đâu nhé !

Thế là tôi nhận được 120 DM, hồi ấy còn đồng Đức Mã. Nhiều quá ! Tôi thật sự mừng vì mình đã có một chút đóng góp cho xã hội. Mừng nữa, vì đã làm ra tiền, dù mới đặt chân tới xứ người...


Bẵng đi vài ngày, mai đã thứ sáu rồi, tôi mới để ý đến cái thùng giày quyên góp kia. Tôi mở nắp thùng, bên trong chẳng còn lấy một chiếc giày. Thế này là thế nào nhỉ ? Vừa hôm trước còn đầy vật vã một thùng giày, cái thùng trước cửa nhà tôi ? Tôi đang chưa hiểu ai đã cuỗm sạch lô giày của bao nhiêu người ủng hộ, thì từ tòa nhà đối diện, một cụ ông hỏi vọng sang:

- Bên ấy có được khá giày không hả cô ?

- Hôm trước cháu thấy thùng giày đã đầy, kênh cả nắp. Thế mà, hôm nay, chả còn lấy một chiếc cụ ạ.

- Người ta không tính được cái việc gần làm trước, cái việc xa, hãy làm sau, nên nó ra nông nỗi ấy.

Tôi đi sang dãy đối diện,  bên cụ ông, ngó vào cái thùng giày nhựa đỏ, giống hệt bên này, cũng chỉ có thùng không.

- Những người còn nghèo, thu nhập thấp, lại đông con, ở ngay khu vực này lấy đi cả rồi. Họ cũng cần giày, cần dép, vì chúng là những đôi còn tốt cả. Thành phố nên quyên góp trước hết cho chính địa phương mình đã, rồi hãy nhìn ra trường quốc tế. Tôi nghĩ thế có phải không cô ? Cụ dừng lại chờ một phản ứng của tôi.


Tôi cứ tưởng bệnh hình thức, bệnh chạy đua lấy phong trào chỉ có ở quê tôi. Nơi đây cũng vậy ư. Tôi ngẫm lại lời cụ ông mà thấy nó ngấm, nó thấm:

Lo cái gần trước, lo cái xa sau. Hãy thiết thực một chút . Đừng bắt đầu vào cái gì phù phiếm, hão huyền, xa vời, khi cái cụ thể, gần gụi nhất với mình chưa hoàn thiện. Có lẽ những căn bệnh hình thức hão, bệnh lấy thành tích cho phong trào còn nhiều lắm, ở khắp mọi nơi.


Cologne 13. 06. 2013


 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: KhanhT
16/06/2013 20:37:01

Không biết mọi người còn nhớ, hồi bao cấp, đầu đổi mới ở Hà Nội một số vỉa hè phố người ta bày bán quần áo "sida", hỏi ra thì là quần áo cũ của các nước gửi qua VN giúp người nghèo, không biết sao lại đưa bày ra vỉa hè bán. Và bây giờ tình hình ở ta cũng giống như bên Đức mà Thu nêu ra vậy, các phường, ngay cả các trường phổ thông cũng vậy, hàng năm, hoặc vào mùa bão lũ... vẫn tổ chức quên góp quần áo cũ gửi đi giúp người nghèo, rồi cũng không biết gửi thế nào đi đâu. Chỗ mình ở năm trước, mấy bà tổ dân phố cũng lấy ra cho ngay mấy đứa trẻ mấy nhà trong khu phố dùng luôn, cũng "sáng kiến" ra phết.



Từ: TungDX
16/06/2013 12:19:43

 


HƯ DANH


Nhớ lời của các cụ ta


Thùng RỖNG thời tất KÊU là to thôi


Giận thay nay nghiệp trồng NGƯỜI


Chuộng hư danh quá, dạy rồi như không


Đã bao thế hệ Tiên Rồng


Thử nghiệm cải cách, Lạc Long phát sầu


To tai tiếng giữa Năm Châu


“Trẻ Em hôm nay, mai sau thế giới”


Một chân lý ngời ngời sáng chói


Biết rồi…vẫn Làm Ngược Nói Xuôi thôi


KGU đốt lửa kêu trời


 Trời rằng:-“Khổ lắm, biết rồi… hoài hơi”


 


 



Từ: TungDX
15/06/2013 08:47:36

Ngay những năm 193x, những đảng viên mới ra lò từ Nga về đã rừng rực khí thế Quốc tế cộng sản, chẳng thế mà: Đề xuất thành lập ĐCS Đông dương…Trong khi đó Cụ NAQ chỉ nêu thành lập ĐCS Việt nam, với tư duy làm cách mạng trước tiên phải đi từ dân tộc mình… Người đã bị báo cáo lên QTCS là một tên Dân tộc chủ nghĩa… 



Từ: LyTM
14/06/2013 20:23:57

Thật là buồn khi nhiều nơi vẫn phải dùng cái đồ quyên góp ấy. Như dân ta ngày mới đi sang nước tư bản mua đồ second hand ấy. Nhưng mà dù sao, đó cũng là tấm lòng của người giầu, nước giầu cho người nghèo, vùng nghèo. Tất nhiên, lo cho người nhà, bè bạn, hàng xóm trước rồi mới đến bên ngoài là lẽ thường tình.


Phong trào khuyến khích bảo nhau,


giúp người thì tốt, đua nhau thì phiền,...


 



Từ: Guest BinhPT
14/06/2013 17:05:57
Thu có nhiều câu chuyện hay lại chăm chia sẻ nên bọn mình biết thêm nhiều điều bổ ích.Bệnh phong trào thì ở đâu cũng có, nhưng "người người thi đua, nhà nhà thi đua" hay " Thi đua là yêu nước" và "Yêu nước thì phải thi đua" thì chắc chỉ có ở nước mình, Cuba và Trung Quốc nữa thôi.Cách đây 6 năm, cả nhà mình có ở Mainz hai ngày : nhỏ và thật sạch sẽ dễ chịu như mọi nơi trên nước Đức. Chúc cậu có những ngày cuối tuần vui vẻ.
Luôn chờ đọc các bài mới của cậu.


Từ: Guest Cucnt
14/06/2013 16:25:38
Lo cái gần trước, lo cái xa sau. Hãy thiết thực một chút . Đừng bắt đầu vào cái gì phù phiếm, hão huyền, xa vời, khi cái cụ thể, gần gụi nhất với mình chưa hoàn thiện. Có lẽ những căn bệnh hình thức hão, bệnh lấy thành tích cho phong trào còn nhiều lắm, ở khắp mọi nơi.


Cảm ơn chị Thu đã đúc kết gần như chân lý!


Từ: BinhNH
14/06/2013 09:56:48

Đúng như Thu viết. Ở Việt nam mình cũng vậy thôi. Cứ quyên góp nộp đi đâu chẳng biết có tới tay người nghèo không? Mình thỉnh thoảng có các thứ của các con đã dùng nhưng còn tốt, có thì giờ mới lựa được ra : nào quần áo, giầy dép, cặp xách,.... mình cứ bạn Vinh lớp mình gọi. Rồi Vinh có mạng lưới người thật việc thật đưa đi các nơi. Vinh lớp mình rất tận tâm với các tổ chức và những người dân thực sự cần ở các nẻo xa xôi.


Chuyên của Thu làm mình biết thêm cả chuyện bên Đức.


Còn chuyện có các Container chứa đồ cũ của dân thành phố ở Châu Âu thì mình và Hoa, BinhfT đã tận mắt chứng kiến. Quả là hay.


Cám ơn cậu nhé



Từ: NghiPH
14/06/2013 09:39:46

Những nước giàu có cũng có những người nghèo. Nước nào cũng có người nghèo khổ. Lo cho người nghèo ở nước khác nhưng quên không lo cho người nghèo tại nước mình là không đúng rồi. Vấn đề là biết san sẻ: Có phần cho người nhà mình và có phần cho cả người nhà khác đang khốn khó.


Xin nói thêm về chuyện khác: Dạo trước quê tôi có một nhà ba cha con đều làm thợ mộc. Vào nhà này tôi thấy giường liêu xiêu, bàn ghế sộc sệch, cửa sắp rơi ra... Hỏi sao bác để nhà cửa thế! Bác trả lời:- Quanh năm đi làm đẹp cho nhà khác. Đâu có thời gian chăm lo cho nhà mình!