BÁN BÁNH LÁ
Mới đây, tôi có ghé thăm một gia đình anh chị bạn quen, nhân ngày rằm. Gia đình làm bánh lá, đủ cả: bánh chưng, bánh giò , bánh nếp.....Thưởng thức xong vụ bánh lá, cả nhà ngồi quây lại uống trà, trò chuyện. Nhân đó, tôi có kể lại cho mọi người một mẩu chuyện từ thời hòa bình. Tôi dùng từ ấy, vì hồi đó Miền Bắc mình thật sự hòa bình.
Cuối đông năm 1963, lúc ấy tôi đang học lớp ba, lớp 3A trường cấp I Phương Đông, do cô Hoàng Thị Oanh làm chủ nhiệm. Trường nằm trên đường Hai Bà Trưng. Ai đã học ở đây, chắc không quên, những năm này anh hùng Núp đang sống trong khu vực của trường. Hình dáng và khuôn mặt của ông, tôi còn nhớ lắm.
Đất nước vẫn đang trong giai đoạn khôi phục chiến tranh, Miền Bắc lúc ấy rầm rộ với nhiều cao trào dấy lên từ khắp mọi nơi. Và đặc biệt tất cả cho Miền Nam ruột thịt vẫn trong chiến tranh khói lửa. Tinh thần ấy từ tấm lòng yêu thương Miền Nam sâu sắc của Bác, đã thấm nhuần đến toàn dân, toàn quân. Và khẩu hiệu VÌ MIỀN NAM RUỘT THỊT, tôi chắc đến hôm nay, anh chị em mình chưa thể quên được.
Trường Phương Đông của bọn tôi cũng được cuốn theo cao trào hướng về Miền Nam ruột thịt ấy.
Trường đặt làm bánh chưng, bánh nếp (tôi không còn nhớ cụ thể, hình như việc này do Hội phụ huynh lo), và học sinh chúng tôi mang bánh đi bán, lấy quỹ ủng hộ phong trào. Ôi ! Bọn nhóc chúng tôi tự hào vô cùng với sự nghiệp nho nhỏ ấy và tất bật thật sự. Tôi nhớ lúc ấy một cái bánh chưng giá 1 hào. Tôi nhận của cô chủ nhiệm 16 cái. Đang lúng túng với số bánh vừa lấy về, thì bà nội đã vào cuộc. Bà cho hết số bánh vào hai cái túi vải. Bà nói sẽ dễ xách hơn nếu dồn vào một túi, cái túi "tiết kiệm" nó có vô số những miếng vải vụn hình tam giác và sặc sỡ với các sắc mầu. Hồi đó, nhiều vật dụng khác cũng được thiết kế như vậy: vỏ áo gối, vỏ chăn...
Chúng tôi, khăn quàng đỏ trên vai, chia nhau trên các con phố, bắt tay vào sự nghiệp. Mẹ biết tôi lo, chỉ nói:
- Mọi người sẽ mua bánh của con, nếu con biết mời và nhớ là không ra chợ, cứ đi dọc đường Tràng Tiền, hai bên đường rất nhiều cơ quan.
Tôi nhìn mẹ, nhưng không đặt nhiều hy vọng vào lời dặn dò của mẹ.
Trời rét ngọt, cuối đông rồi, chả mấy mà Tết đến. Hai tay tôi rất lạnh, lâu lâu lại ủ chúng vào túi bánh. Điểm bán đầu tiên của tôi ở tòa nhà của Bộ Nội thương. Mỏi rã cả chân vì bán rất chậm. Tôi đã gặp một bác khách thật là "sộp", ông mua 2 cái, chỉ trả tiền, mà không lấy bánh. Tôi cuống cả lên vì quá ngạc nhiên: đã mua 2 cái, lại chỉ trả tiền, mà còn không lấy bánh ! Nếu bán hết chỗ bánh, tôi sẽ có 1 đồng tám, chứ không chỉ 1 đồng sáu như dự kiến. Ôi, cô Oanh sẽ vui đến mức nào, khi tôi về trường khoe với cô thành tích ấy.
Sau đó tôi vào Cửa hàng Văn Phòng phẩm Hồng Hà. Các cô bác cứ xuýt xoa, vì thấy còn bé quá mà lăn lộn đi bán bánh cho phong trào. Còn tôi, tôi có thấy khổ đâu, vui nữa là khác. Bọn tôi chia nhau ra khắp địa bàn quanh quận Hoàn Kiếm, chứ không đi chung. Không hiểu Dung, Điệp và Mai đã bán hết hàng chưa? Một bác ngồi bơm xe trước cửa rạp Công Nhân nhìn tôi ái ngại:
- Cháu phải rao to lên chứ: Bánh vì đồng bào Miền Nam ruột thịt đây, mua cho cháu nào!
Nhưng tôi không làm được. Giọng nói của tôi chưa đạt tới một âm lượng để rao. Và hơn nữa, tôi thấy nó làm sao ấy. Tôi đành phải chấp nhận phương án: gặp ai cũng hỏi, cũng mời chào. Biết đâu, tôi lại gặp được những tấm lòng nhân hậu, hảo tâm. Nhưng kết quả thật là bi đát. Hầu như các vị khách dọc vỉa hè đường Tràng Tiền chẳng ngó gì đến tôi, huống chi là dừng lại mua bánh ủng hộ.
Quá trưa rồi, tôi thấm mệt và phát hiện ra mình rất đói. Chắc phải về thôi, nhưng còn chỗ bánh? Tôi liền nghĩ đến mẹ. Mẹ bao giờ cũng là vị cứu tinh của chị em tôi. Lúc ấy, mẹ đang ở sở Thương nghiệp thành phố, làm công tác cải tạo tiểu thương.Từ đường Tràng Tiền, tôi quay về phố Hàng Bông. Tôi lên thẳng lầu trên. Mẹ thấy sắc mặt tôi nhợt nhạt, biết con mình sắp lả.
- Sao con không ăn cái gì đó, rồi hãy đi tiếp? Mẹ hỏi tôi.
- Nhưng vẫn còn nhiều bánh lắm !
Tôi nhìn mẹ cầu cứu:
- Mẹ, mẹ hỏi thử các cô bác ở đây có mua bánh không. Người ta ăn, nói ngon lắm mà.
Mẹ nhìn tôi, ánh mắt chan chứa bao nhiêu yêu thương, mẹ biết tôi lo công việc không hoàn thành. Chỉ một lát sau, các cô bác quây lại, mua cho tôi những cái bánh ế, mặc dù nó chẳng vào bữa, vì đã chớm chiều rồi. Hôm đó tôi đã bán hết 16 cái bánh lá.
Câu chuyện tôi kể hôm ấy, không được mấy anh chị Việt kiều cũ tin. Với tôi cái đó không quan trọng. Riêng tôi, mẩu chuyện bán bánh lá năm xưa, là một trong những kỷ niệm thơ ấu khó quên. Sang đến mùa thu năm sau, 1964, chúng tôi đã rời khỏi Hà Nội đi sơ tán. Chia tay với những ngày thanh bình trên đất Bắc.
Cologne 12.08.2012